Trang chủ Tìm hiểu ẩm thực miền Trung qua các loại bánh nổi tiếng

Tìm hiểu ẩm thực miền Trung qua các loại bánh nổi tiếng

Không đa dạng như lối ẩm thực Bắc, cũng không được phồn thực như lối ẩm thực phía Nam, ẩm thực Miền Trung có một chiều sâu riêng, mang đậm nét bản sắc của một vùng đất thanh lịch, nhẹ nhàng. Các món bánh ngon Miền Trung bình dị và đơn giản như chính con người nơi đây nhưng luôn để lại lưu luyến mọi thực khách gần xa khi được thưởng thức. Các món bánh tại vùng đất này đa dạng về hình thức cũng như độc đáo trong cách chế biến đã thực sự đem lại cho thực khách một cảm giác khó quên khi trót nếm qua.

  1. Bánh bèo

Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, xứ Huế mang trong mình một nét đẹp cổ kính của kinh thành xưa. Bên cạnh phong cảnh hữu tình, người dân giản dị, bạn còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực phong phú mang nét đặc trưng tại vùng đất này.

banh-beo
Bánh bèo đã trở nên quen thuộc khắp các vùng miền nhưng khi đến Huế thưởng thức món này bạn vẫn sẽ cảm nhận được cái “chất” rất riêng tại đây. Bánh bèo được đổ trong những cái chén nhỏ với lớp bột mỏng và thêm một ít tôm cháy cùng hành bên trên bề mặt như cánh hoa trông rất thích mắt. “Chất” làm nên thương hiệu bánh bèo Huế có lẽ phải nói đến nhị tôm cháy, tóp mỡ giòn rụm và nước chấm. Nước chấm được chế biến với nước mắm, đường, ớt…một chút cay hòa quyện với vàng rụm của tóp mỡ và mùi thơm của hành để làm món ăn thêm đậm đà níu giữ những ai trót thưởng thức bánh bèo chén nơi này.

  1. Bánh bột lọc

banh-bot-loc

Bánh bột lọc có 2 dạng: bánh bột lọc luộc gói bằng lá chuối và bánh bột lọc trần. Tuy khác nhau về hình dáng nhưng cả hai đều rất cầu kì trong cách chế biến và tùy thuộc vào sự khéo tay của mỗi người thợ làm bánh. Nhân bánh màu đỏ ửng của tôm luộc nhanh chóng bắt mắt thực khách, cùng một tí thịt heo ăn với nước mắm vừa miệng đem đến cho bạn nhiều cảm giác tuyệt vời khi thưởng thức.

  1. Bánh đập

banh-dap

Bánh đập hay còn gọi là bánh chập là một loại bánh khá phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Nam đến Khánh Hòa nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở Hội An. “Đập” được hiểu đơn giản là bánh phải được đập rồi mới ăn. Bánh đập là sự kết hợp tinh tế giữa bánh ướt và bánh tráng nướng. Trên nửa lớp bánh ướt được phết dầu mỡ hành, đậu xanh nhuyễn. Bánh đập còn được ăn kèm với tôm, thịt heo luộc, thịt nướng tùy theo vùng miền.

  1. Bánh nậm

banh-nam

Bánh nậm là một loại bánh đặc trưng của xứ Huế, cùng với bánh bèo, bánh lọc. Đây là thứ bánh được làm từ bột gạo vừa ngon vừa có tính chất lành (người già, trẻ em, người ốm đều có thể ăn được). Ở Huế, bánh nậm còn được làm chay, chỉ có nhân đậu xanh, dùng cho ngày Rằm, mồng Một. Đặc biệt, còn có bánh nậm nhân thịt cóc, dành cho trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, cũng ngon và hấp dẫn không kém bánh nậm tôm.

  1. Bánh xèo

banh-xeo

Bánh xèo cũng là một loại bánh đặc trưng của miền Trung, có bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, được rán màu vàng, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt. Tuỳ theo từng địa phương mà bánh được thưởng thức với nét đặc trưng riêng. Thường có 2 phong cách: đổ bánh xèo giòn và bánh xèo dai.

  1. Bánh căn

Bánh căn là một loại bánh phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ, ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Bánh căn có hình dáng gần với bánh khọt ở các tỉnh phía Nam, nhưng cách làm hoàn toàn khác. Nếu như bánh khọt là loại bột gạo “chiên” (vì có dùng dầu mỡ) thì bánh căn là loại bột gạo “nướng”. Làm bánh căn thường phải có khuôn đúc đặc biệt, thường làm bằng đất nung, và có nhiều lỗ tròn để đặt khuôn. Vì bánh căn nhỏ nên thường tính theo cặp chứ không theo cái, ở giữa có thể quét mỡ hành hoặc đổ trứng. Bánh căn thường ít được dọn cùng rau sống ăn lá, mà thường ăn kèm với xoài xanh bào sợi, hành tây, dưa leo băm sợi.

banh-can

Không ai biết bánh căn có từ bao giờ, nhưng xuất xứ của nó là ở Ninh Thuận, là một món ăn của người Chăm. Qua thời gian, người Việt đã học hỏi và sáng tạo thêm nhiều cách thức mới, làm món ăn này thêm đặc sắc hơn, như ăn với nhiều loại nước chấm hơn, thêm vào bánh nào là tôm, mực, trứng…

  1. Bánh hỏi

Bánh hỏi là một món ăn đặc sản có rất nhiều ở Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định của Việt Nam. Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến công phu, tỉ mỉ. Bánh hỏi thường ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo… đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi, lễ cúng ở đình, chùa của người dân và là một nét văn hóa ẩm thực của địa phương.

banh-hoi

Bánh hỏi khi dùng thường thêm chút dầu phụng cùng với lá hẹ thái nhỏ li ti thoa lên miếng bánh để thêm hương vị. Bánh hỏi thường chỉ ăn với lá hẹ, không dùng cho các thứ bánh khác do lá hẹ rất xanh, hương thơm nhẹ. Lá hẹ sau khi thái nhỏ, được xào qua dầu ăn cho thơm. Hương vị chính của món bánh hỏi là do lá hẹ khử dầu tạo nên.

(Sưu tầm)